Bạn đã xem
Tác dụng của nhân sâm với sức khỏe
1. Tác dụng của nhân sâm
Nhân sâm là một vị thuốc quý. Bộ phận dùng làm dược liệu là rễ phơi hay sấy khô của cây nhân sâm (Panax gingseng C.A. Mey.), thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae). Nhân sâm là cây mọc hoang hoặc được trồng ở những vùng cao, nhiệt độ thấp, mát lạnh. Loại sâm tự nhiên quý hơn sâm trồng và loại sâm này được gọi là dã sâm.
Nhân sâm là vị thuốc lợi về các kinh tỳ, phế, tâm. Theo những tài liệu cổ của Y Học Cổ Truyền, nhân sâm có tính bình, vị ngọt, hơi đắng có tác dụng bổ khí, cố thoát, điều tiết cơn khát, ích trí, an thần, kiện tỳ, bổ phế, trấn tĩnh, giảm đau mỏi và chống mệt mỏi.
Những tác dụng của nhân sâm đã được chứng minh là:
1.1. Giảm căng thẳng tâm thần
Nhân sâm là dược liệu có thể cải thiện giúp con người tỉnh táo về tinh thần, thay đổi tâm trạng và giảm cảm giác mệt mỏi. Nhân sâm được biết đến là loại thảo dược thay thế các loại thuốc chống trầm cảm và lo âu. Khi một người đang phải trải qua tình trạng căng thẳng tinh thần quá mức, các kích thích tố tuyến thượng thận (cortisol, adrenaline và noradrenaline) sẽ tăng tiết và gây ra những các vấn đề sức khỏe khác. Nhân sâm có thể giúp bạn cân bằng lượng adrenaline trong cơ thể.
1.2. Kích thích hệ thống miễn dịch và thần kinh
Tác dụng nhân sâm là tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Các chuyên gia cho rằng nhân sâm có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Đặc tính Adaptogenic có trong thành phần của nhân sâm có tác dụng kích thích sự trẻ hóa tế bào và có thể khôi phục các tế bào bị hư hại ở những người lớn tuổi. Nhân sâm cũng có thể giúp chống lại bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm khác.
1.3. Điều trị bệnh tiểu đường
Lượng đường trong máu có thể giảm đáng kể bằng cách sử dụng các chế phẩm từ nhân sâm. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường, không nên sử dụng cùng một lúc thuốc với nhân sâm để tránh có thể làm cho lượng đường huyết bị giảm xuống mức quá thấp. Trước khi sử dụng nhân sâm, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết.
1.4. Ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư
Sự phát triển của một số loại tế bào ung thư có khả năng bị ức chế bởi nhân sâm. Theo những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, thành phần ginsenosides có trong nhân sâm có tác dụng chống lại khối u và có thể gây tổn thương các tế bào ung thư buồng trứng, ung thư phổi, tế bào ung thư tuyến tiền liệt và các tế bào thần kinh. Ngoài ra, nhân sâm cũng có chức năng ức chế sự phát triển chu kỳ tế bào và làm chậm quá trình tăng trưởng của tế bào ung thư.
1.5. Giảm nồng độ cholesterol
Trong một số nghiên cứu gần đây, nhân sâm đã được tìm thấy có khả năng làm giảm nồng độ cholesterol LDL (cholesterol xấu). Các nhà khoa học chứng minh rằng thành phần ginsenosides chứa trong nhân sâm hữu dụng cho việc giảm mức cholesterol trong cơ thể.
1.6. Giảm mệt mỏi
Vai trò của adaptogenic có trong thành phần của nhân sâm làm thay đổi sinh lý trong cơ thể để thích ứng với sự mệt mỏi do làm việc mệt mỏi hoặc lao động quá sức.
1.7. Tăng khả năng chịu đựng
Nhân sâm được coi là thuốc bổ vì có thể cải thiện khả năng chịu đựng và được dùng phổ biến ở vận động viên. Trong thực tế, một vận động viên cần phải duy trì được thể lực ở mức cao và nhân sâm có thể trợ giúp hữu hiệu cho vận động viên đang tham gia thi đấu.
2. Tác dụng phụ khi dùng nhân sâm
Nhân sâm là một vị thuốc bổ cho cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng nhân sâm bạn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn cho cơ thể. Cụ thể là, sau vài ngày sử dụng nhân sâm, bạn có thể xuất hiện cảm giác bồn chồn và dễ kích thích. Do tác dụng của nhân sâm có thể làm giảm lượng đường trong máu nên có thể gây ra giảm khả năng tập trung và tụt đường máu.
Đồng thời, nhân sâm có tác dụng giống estrogen nên không nên dùng cho phụ nữ người mang thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em. Nguyên nhân là do, đã có những báo cáo về sự ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như các cơn hen, tăng huyết áp, đánh trống ngực và chảy máu tử cung ở những phụ nữ sau khi mãn kinh.
Mặt khác, nhiều người do chưa quen sử dụng sẽ cảm thấy nhân sâm có mùi khá khó chịu.
3. Các bài thuốc với nhân sâm
Bạn có thể dùng 1 vị nhân sâm: nhân sâm thái thành lát mỏng, hãm với nước sôi, nhiều lần, ngày có thể dùng 4-10g. Một cách dùng khác là nhân sâm ngâm rượu: 50g nhân sâm thái mỏng ngâm rượu 3 lần. Lần 1 ngâm sâm với 600ml rượu 35-40 độ, ngâm trong thời gian 1 tháng; lần 2 ngâm 500ml trong thời gian 3 tuần; lần 3 ngâm với 400ml rượu trong thời gian 2 tuần. Sau gộp dịch chiết 3 lần. Ngày uống khoảng 20-30ml.
Do có tác dụng tốt trong bổ khí, nhân sâm còn được dùng trong nhiều bài cổ phương quý:
Bài thuốc 1: Tứ quân tử thang:
Chuẩn bị: nhân sâm, bạch truật, bạch linh, mỗi vị 5g và cam thảo 3g.
Thực hiện: Ngày uống 1 thang thuốc dưới dạng sắc hoặc làm viên hoàn.
Tác dụng: bổ chân khí cho những người sức khỏe yếu hay mệt mỏi, chán ăn, kém ăn.
Bài thuốc 2: Bát trân thang:
Chuẩn bị: kết hợp bài Tứ quân tử thang thêm các vị: xuyên khung, đương quy, bạch thược, thục địa, mỗi vị 5g.
Thực hiện: Ngày uống một thang thuốc dưới dạng sắc hay thuốc hoàn.
Tác dụng: điều trị chứng cả khí và huyết đều suy, người suy nhược cơ thể, chân tay vô lực, đoản hơi, thiếu máu, da xanh xao, gầy còm, chán ăn.
Bài thuốc 3: Thang độc sâm:
Chuẩn bị: Nhân sâm 4g đến 12g, chưng cách thuỷ, cho uống.
Tác dụng: Điều trị chứng hư, bệnh nặng, bệnh đã lâu ngày, ra máu nhiều dẫn đến hôn mê, mạch đập khẽ muốn ngừng, thoát nguy kịch.
Bài thuốc 4: Thang sâm phụ:
Chuẩn bị: Nhân sâm 3g – 6g, phụ tử 12g – 20g.
Thực hiện: Sắc các vị thuốc trên và uống trong ngày.
Tác dụng: Điều trị các chứng như trên kèm mồ hôi ra lạnh toát, chân tay rã rời.
Bài thuốc 5: Thang nhân sâm hồ đào:
Chuẩn bị: Nhân sâm 4g và hồ đào 12g.
Thực hiện: Sắc thuốc uống trong ngày.
Tác dụng: bổ phổi dịu hen, điều trị chứng phế hư ho hen, thở gấp.
Bài thuốc 6: Thang Tứ quân tử:
Chuẩn bị: Nhân sâm 4g, bạch truật 12g, bạch linh 12g và cam thảo 4g.
Thực hiện: Sắc thuốc uống trong ngày.
Tác dụng: Kiện tỳ cầm tiêu chảy, điều trị chứng tỳ vị hư nhược, người mệt, ăn ít, dẫn đến đại tiện lỏng hoặc đại tiện lỏng kéo dài
Bài thuốc 7: Bột Sinh mạch:
Chuẩn bị: Nhân sâm (hoặc đảng sâm) 12g, mạch đông 12g và ngũ vị tử 6g.
Thực hiện: Sắc thuốc uống trong ngày.
Tác dụng: Sinh tân chỉ khát, điều trị các bệnh nhiệt làm khô tân dịch, đái tháo đường làm họng khô miệng khát
Kiêng kỵ: Nếu không phải mắc chứng hư thì không nên sử dụng. Nhân sâm có đặc tính phản lê lô, sợ ngũ linh chi. Điều này có nghĩa là không nên dùng nhân sâm đồng thời với củ cải và uống trà đặc.
4. Những người nên thận trọng khi sử dụng nhân sâm
Nhân sâm là loại thuốc bổ khí đầu vị, song không phải có thể sử dụng cho mọi đối tượng được. Một số nhóm người không sử dụng được nhân sâm như:
Người thường xuyên bị đầy hơi, trướng bụng, căng tức, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy không được dùng.
Đặc biệt, người đang bị đau bụng, tiêu chảy, dùng nhân sâm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Người bị nôn mửa, trào ngược dạ dày, tăng huyết áp cũng không nên sử dụng. Nguyên nhân là do sâm lúc đầu có tác dụng tăng huyết áp, sau lại hạ. Do vậy nếu ở trạng thái tăng huyết áp dễ dẫn đến nguy cơ bệnh tai biến mạch máu não.
Phụ nữ trước khi sinh nở cũng không nên dùng nhân sâm.
Người hay mất ngủ nhưng sức đề kháng yếu mà muốn dùng nhân sâm nên dùng buổi sáng với liều lượng thấp, khoảng 2-3g/ngày. Cần lưu ý không dùng lô sâm (hay là đầu núm rễ củ sâm), vì có tác dụng gây nôn.
Trẻ em có thể trạng yếu, kém ăn, chậm phát triển về thể lực và tinh thần có thể dùng nhân sâm, song không nên quá lạm dụng vì sẽ làm cho trẻ có nguy cơ bị kích dục sớm.
(Nguồn: Vinmec)